Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

Lan man về Trịnh Công Sơn, Tố Hữu, và hậu hiện đại

Hôm nay là thứ bảy. Có thời gian một chút, lại đang có hứng, nên tôi viết lăng nhăng thôi. Không đầu không đuôi, viết vụn, viết nhảm đấy ạ. Nói trước để những bạn bè thân quen, những độc giả thân thiết trên blog này đừng mắng tôi sau khi đọc xong, nhé! (Nếu các bạn không thích kiểu viết lăng nhăng ấy, xin hãy rời đi ngay, đừng đọc thêm nữa kẻo mất thì giờ vô ích!)

Rồi, bây giờ thì tôi tha hồ đi lan man nhé, vì tôi viết cho tôi, hoặc cho những người giống tôi (vì ai không giống thì sau khi đọc xong đoạn đầu thì đã bỏ đi hết rồi còn đâu nữa!). Vậy thì lan man đây: hôm nay là thứ bảy, 27/7, ngày thương binh liệt sĩ, nhưng khái niệm thương binh liệt sĩ của chúng ta không bao hàm các thương binh liệt sĩ của trận chiến năm 1979 với Trung Quốc xâm lược thì phải. Vì những từ này hoàn toàn không được ai nhắc đến (hoặc ít ra là không nhắc trực tiếp) trong bất kỳ bài diễn văn, hay phát biểu, hay bài báo ... nào cả.

Tại sao lại kỳ lạ như thế, xin để cho những người có trách nhiệm hoặc có thông tin chính xác trả lời. Tôi chỉ quan sát và mô tả như một hiện tượng bất thường mà thôi. Bất thường y như khi trong cơ quan (công lập) có một cuộc họp xử lý (oan) một ai đó, sau khi lãnh đạo đã đưa ra mọi lời kết án hùng biện với đầy đủ chứng cứ trên ... giấy, rồi thì để cho dân chủ (!), sẽ hỏi những người ngồi dự rằng có ai có ý kiến hay phát biểu gì không. Thì mọi người đưa mắt nhìn nhau đầy ý nghĩa, rồi nhìn thẳng vào mặt người đang điều khiển cuộc họp với những đôi mắt mang hình viên đạn, rồi lại quay đi và lắc đầu, không, không ai có ý kiến gì cả. Bất thường, ai cũng biết thế. Nhưng rồi thì cuộc họp vẫn kết thúc, và người bị xử lý vẫn sẽ bị xử lý.

Ơ mà tại sao hôm nay tôi lại nghĩ đến cuộc họp xử lý (oan) ai đó tại một cơ quan công lập nhỉ; tôi đã rời hệ thống công lập đến 2 năm nay rồi cơ mà. Á à, tôi biết rồi, là vì trong tiềm thức tôi vẫn nhớ rất rõ hôm nay là ngày xử lý luận văn Đỗ Thị Thoan. Về luận văn này tôi đã viết nhiều rồi nên chắc không còn gì để viết. Ấy là tôi nói viết một cách ... đàng hoàng, lý trí ạ; tôi đã đăng trên blog kia của tôi, blog nghiên cứu giáo dục (tại đây: ncgdvn.blogspot.com) đến 3 bài liên tiếp, ai muốn biết quan điểm chính thức của tôi thì sang đó đọc ạ.

Các bạn quen biết tôi thì ai cũng biết rõ tôi có 2 cái blog, Blog giáo dục Việt Nam là hình ảnh nghề nghiệp của tôi, nên nó được giữ tương đối đúng mực: khách quan, lý tính, thận trọng. Nó phản ánh phần não trái của tôi. Còn blog này là blog cá nhân, cảm tính, lan man, cà rỡn, nó phản ảnh (quá) nửa con người còn lại của tôi, đó là phần thực, phần não phải. Haizzz, lý luận lăng nhăng lằng nhằng quá. Ai thắc mắc về não phải não trái thì thử google search, hoặc tìm ngay trên blog này, tôi cũng có viết dăm ba bài (tản mạn) đấy!

Nhưng nếu đã viết hết ý về luận văn ấy rồi thì cớ gì tôi lại vẫn viết thêm về ĐTT ở đây? Ồ không đâu, tôi không viết về ĐTT nữa ạ, mà chỉ nhắc đến cái gì còn lại trong tiềm thức mà thôi. Tiềm thức tôi hoạt động kiểu gì không rõ mà sáng giờ tôi cứ nhớ đến một bài hát của TCS trước năm 75 vốn đã được bọn trẻ hồi ấy mê mẩn ghê lắm (well, "bọn" ấy là lớp đàn anh, đàn chị của tôi, nhưng tôi đang phát biểu như một người ngoại ngũ tuần nói về lớp trẻ ở lứa tuổi đôi mươi mà lại, nên phải gọi chúng bằng bọn trẻ chứ sao).

Bài hát ấy bắt đầu bằng câu: Chúa đã bỏ loài người/Phật đã bỏ loài người/Này em xin cứ phụ người ... Một câu ca mà những người trẻ thời đó rất thích thú vì cách diễn đạt rất mới mẻ để gián tiếp bày tỏ tình yêu của một kẻ si tình: tôn "em" lên ngang - hoặc thậm chí cao hơn - cả chúa và phật trong cuộc đời anh, mà không cần phải nói bất kỳ một lời nói "sến" nào cả. Xin các bạn đọc toàn bộ lời bài ca dưới đây:

NÀY EM CÓ NHỚ

Chúa đã bỏ loài người
Phật đã bỏ loài người
Này em xin cứ phụ người

Chúa đã bỏ loài người
Phật đã bỏ loài người
Này em xin cứu một người

Này em xin cứ phụ tôi
Đời sống quanh đây có vạn lời mời
Đời sống quanh đây tiếng người mừng gọi em vào.
Đời đã quen với những kiếp xa nhau

Chúa đã bỏ loài người
Phật đã bỏ loài người
Này em xin cứu một người
Này em hãy đến tìm tôi
Vì những con sông đã cạn nguồn rồi
Vì gió đêm nay hát lời tù tội quanh đời
Về cùng tôi đứng bên âu lo này

Chúa đã bỏ loài người
Phật đã bỏ loài người
Này em có nhớ cuộc đời
Này em có biết loài người
Này em có nhớ gì tôi


Các bạn vào nghe bài hát ở đây này, qua giọng hát Khánh Ly, tuyệt lắm: https://www.youtube.com/watch?v=5fJ6gZdWbck.

Trong dòng suy nghĩ lan man, tản mạn của tôi vào một buổi sáng thứ bảy, tự nhiên tôi nhận ra rằng Trịnh Công Sơn trong bài hát này đã toát ra một vẻ vô cùng hậu hiện đại, dù lúc ấy - và cả bây giờ - không ai gọi ông là như vậy cả. Và tôi chợt giật mình nhận ra, đây là gì nếu không phải là giải thiêng - giải thiêng cả chúa, cả phật, và thay thế vào đó là một con người rất đời thường, là người yêu nhỏ bé của tác giả. Tôi nghĩ, có lẽ khi tác giả mới viết ra và phổ biến bài hát này, thế nào cũng có những người già già cảm thấy khó chịu vì nó ... láo, phạm thượng, vì dám đụng chạm đến cả chúa lẫn phật như thế.

Nhưng thử nghĩ mà xem, tác giả chẳng đúng là gì: tại sao lại cứ tin vào những chúa trên trời, phật trên cõi niết bàn, hay những thần thánh cao xa nào đó nhưng hoàn toàn mơ hồ và không có chút tác động nào thực sự trên cuộc sống của chúng ta, và quên mất những con người tầm thường thôi, nhỏ bé thôi, nhưng còn có được chút tác động nào đó trên cuộc sống thật. Chính những cái nhỏ bé tầm thường ấy mới có thể cứu chúng ta, mới có thể "đứng bên âu lo này" trong cuộc sống của ta. Giải thiêng chỉ có ý nghĩa đơn giản như thế thôi, chứ có gì đâu nhỉ? Mà nếu thế, thì nó cũng đã thấm vào cách tư duy của người VN từ thập niên 60, 70, tức là khá sớm rồi đấy chứ, có phải mãi đến nhóm MM và ĐTT thì nó mới xuất hiện đâu?

Ơ mà nếu thế thì tư duy của những người cộng sản cũng hậu hiện đại không kém đâu nhé, từ năm năm mấy của thế kỷ trước Tố Hữu cũng có những câu thơ mà tôi rất thích - không phải là thích cái ý tưởng của câu thơ ấy, vì tôi nghĩ nó cũng thường thôi, mà là cách diễn đạt của nó. Những câu ấy là trong bài Trước Kremlin, nó như thế này:

Trời không có thiên thần
Đất không có thánh nhân
Chỉ có nhân dân – thần thánh
...
(http://tohuu.wordpress.com/2008/03/01/cac-t%E1%BA%ADp-th%C6%A1-t%E1%BB%91-h%E1%BB%AFu-gio-l%E1%BB%99ng/)

Như vậy là ngay trong thời chiến tranh lạnh, lại vẫn có chuyện một bên là Tố Hữu nói riêng, và những người cộng sản VN nói chung, và bên kia là TCS và những thanh niên đầu nhiễm đầy tư tưởng tiểu tư sản ủy mị đồi trụy của miền Nam, cùng có chung một ý nghĩ là "giải thiêng thần thánh"? Lạ thực, phải không các bạn? Không còn ranh giới, hay "giải khu biệt hóa" (!!!!), đấy cũng là một đặc điểm của hậu hiện đại đấy các bạn ạ, ha ha!

Tại sao tôi cứ nhắc mãi đến mấy từ hậu hiện đại thế? Không biết được, chỉ biết là trong đầu tôi lúc này toàn chứa những ý nghĩ lăng nhăng này thôi. Có lẽ là vì tôi mới chợt nhận ra, sau một cuộc trao đổi với một đồng nghiệp trẻ, rằng mặc dù tôi nói rằng tôi không thích gu hậu hiện đại nhưng thật ra những suy nghĩ và lối tư duy của tôi rất hậu hiện đại. Khi tôi nói tôi không thích văn học hậu hiện đại vì khác gu của tôi, nhưng tôi không có quyền kỳ thị nó mà phải tôn trọng nó, và những người nghiên cứu loại văn học này (như Nhã Thuyên ĐTT mà luận văn của cô sáng nay người ta mang ra mổ xẻ) vẫn đáng được tôn trọng và được xem là có đóng góp quan trọng, thì như thế tức là tôi đang rất hậu hiện đại đấy.

Lan man, tôi tự nghĩ, nếu thế thì chủ nghĩa hậu hiện đại đang có mặt ở khắp nơi, trong công tác xã hội khi người ta quan niệm không được kỳ thị người bị bệnh AIDS (SIDA) mà phải giúp họ hòa nhập cộng đồng, trong quan niệm thẩm mỹ khi trước đây người ta nghĩ chỉ có da trắng mới là đẹp, người châu Phi da đen thui thì làm sao lại có thể xem là đẹp được nhỉ, nhưng ngày nay thì trắng đẹp kiểu trắng đen đẹp kiểu đen, chẳng ai hơn ai hết, Naomi Campbell da đen còn là siêu mẫu nữa cơ mà. Trong văn hóa thì ngày nay cứ phải đa văn hóa thì mới "hot", ví dụ hôm nay ăn cơm Tàu thì mai phải ăn cơm Tây, rồi Hàn Nhật Mã Thái Phi vv, chứ cứ ăn mãi một kiểu thì boring chết.

Và ngay cả trong chính trị, ngoại giao nữa, chẳng còn chiến tranh lạnh, chẳng còn ranh giới các nước xã hội chủ nghĩa với các nước tư bản chủ nghĩa, chẳng còn tranh nhau ai thắng ai nữa. Ai có lợi cho ta thì ta cứ chơi, ha ha! Thì ngay cả VN cũng thế mà, vẫn chơi với TQ bạn vàng, nhưng cũng vẫn cứ chơi với Mỹ nơi có đầy thế lực thù địch chống phá điên cuồng, có sao đâu nhỉ?

Nói trong một câu ngắn gọn thì tư duy hậu hiện đại chính là tư duy đương thời, bình thường của thế kỷ 21 này. Ai không như thế thì rõ là người cũ, tất nhiên cũng chẳng sao, ai có phận nấy mà.

Ơ nhưng thế mà riêng trong lãnh vực tư tưởng thì luận văn của ĐTT đem cách thức làm thơ của những kẻ bên lề ra để nghiên cứu thì lại bị tội nặng đến thế, là sao, tôi nghĩ mãi mà vẫn không hiểu nổi. Liệu có ai đó lợi dụng cái gọi là "bảo vệ thần thiêng" để thực hiện những ý đồ riêng không nhỉ? Thế thì nguy hiểm lắm. Nhưng câu hỏi này có lẽ mãi mãi sẽ là một câu hỏi không có lời đáp mà thôi, ít ra là đối với tôi.

Lan man, lan man, lan man!!!!!!!!! Chả biết cái thói quen viết lan man như thế này có phải là một thói quen hậu hiện đại không ấy nhỉ? :-)

8 nhận xét:

  1. Xét kỹ cho chính xác,chỉ có TH.mới giải thiêng vì ông ta vô thần nên tỏ ra ngạo mạn,phủ nhận thần linh.Nhưng lại dám nói sai be bét là "đất không có thánh nhân"!(Tn.của TH.là Stalin,HCM.)
    Trái lại,TCS.là mgười thất tình nên bi quan và
    thất vọng cho mọi sự đếu hư vô,hư không,ngay cả
    Phật và Chúa,thưa chị PA.ạ ! (TCS.là 1 Phật tử
    trung kiên).

    Trả lờiXóa
  2. Thưa chị P.Anh.

    Nói gì thì nói, đặt nhà thơ họ Tố cạnh nhà thơ họ Trịnh (dù chỉ là một so sánh bâng quơ) thì...tôi thấy có vẻ tồi tội cho ông Tố sao sao ấy. Ông Tố đâu có "lì" như ông Trịnh. Ông Tố "giải thiêng" các loại thần thánh theo đúng chủ trương đường lối của (đảng) ông, còn ông Trịnh "oa oa xịt" các loại thần thánh chỉ để "dỗi" một chút (với người...ông yêu) thôi mà,

    Ha ha. Có vẻ như tôi cũng bị lây bệnh lan man từ chị rồi, chị P.Anh ạ.

    Trả lờiXóa
  3. Xin chị PA.chỉ cho tôi biết đường link vào bài viết
    của Mặc Giao về sự trốn chạy của gia đình ông nhưng
    đã biến mất trên blog của chị.
    Cám ơn chị trước.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng, bản gốc đầy đủ ở đây ạ. Tôi chỉ trích ra có một phần.

      http://hon-viet.co.uk/MacGiao_59NamHiepDinhChiaDoiDatNuocVaCuocDiCuTuBacVaoNam.htm

      Xóa
    2. Cám ơn chị.Có điều là đôc giả nào đọc honviet cũng nên
      thận trọng mà kiểm chứng những chi tiết không chính xác vì có một số ít tác giả thiếu trình độ.
      Nhân đây,xin tò mò hỏi chị có bà con gì với VTBN,nha sĩ ?

      Xóa
    3. Tôi không có bà con gì với VTBN nha sĩ hết ạ. Vì trong dòng họ (gần) của tôi không có ai là nha sĩ. Còn xa (?) thì tôi không rõ ạ.

      Xóa
  4. Công trình của NT là có ý nghĩa. Đồng ý. Nhưng nếu ghép TH vào hậu hiện đại thì e chưa ổn.Một số câu thơ của TH về Stalin làm xấu hổ không chỉ một nền thi ca VN mà làm ê mặt cả một dân tộc anh hùng.

    Trả lờiXóa
  5. Chào mọi người,

    Cám ơn các bạn đã đọc bài và comment. Bài này tôi viết vui vui thôi ạ, nên mọi liên tưởng, so sánh vv đều chủ quan, thiên lệch. Chưa kể so sánh nào thì cũng khập khiễng. Vâng, tôi hiểu rõ là Tố Hữu với TCS thì giống nhau thế nào được. Nhưng ... nhìn thấy cái giống nhau của những cái rất khác nhau, đối với tôi cũng là một trò chơi thú vị ạ. Và, nếu cần phải đối thoại với Chu Giang, với Phong Lê, thì tôi nghĩ phải mượn đến Tố Hữu mới có "ép phê", các bạn có đồng ý không nhỉ?

    Trả lờiXóa